Web-Internet

Có một Hoàng Vân như thế

20/03/2019   1290

Cứ mỗi độ xuân về tôi lại nhớ tới những kỷ niệm về nhạc sĩ Hoàng Vân với những dấu ấn riêng mà ông đã để lại cho anh em bạn bè chúng tôi.Mọi người biết về Hoàng Vân với những ca khúc bất hủ như Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Quảng bình quê ta ơi ,Hà nội Huế Sài gòn...vv. Nhưng còn có một Hoàng Vân nữa, một  Hoàng Vân của Hà nội xưa với những thú chơi tao nhã, một Hoàng Vân-một ông đồ phố cổ, một Hoàng Vân của anh em bạn bè thân thiết.

Nhân một năm ngày mất của ông,tôi muốn chia sẻ những kỷ niệm đó như một nén nhang tưởng nhớ tới ông, một người thầy, một bậc đàn anh trong cuộc sống, một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt nam.

1. Hoàng Vân - Người thầy lớn của tôi

Tôi gặp nhạc sĩ Hoàng Vân lần đầu tiên tại nhà nhạc sĩ Nguyễn Cường năm 1998. Đó là một buổi sáng đầu thu, nhạc sĩ Nguyễn Cường gọi tôi tới nhà ông ở 94 Hàng Bạc cafe như thường lệ.

Khi tôi bước vào ,nhạc sĩ Nguyễn Cường hồ hởi,giọng thật thà:

- Em ngồi đây. Giới thiệu với em đây là nhạc sĩ Hoàng Vân, người mà cách đây mười năm anh muốn gặp mà không dám. Anh phải viết thư lên Hội Nhạc sĩ Việt Nam để xin gặp Hoàng Vân. Nhưng khi ra bưu điện mới bỏ thư vào hòm dở chừng anh lại sợ và rút lại. Về nhà và sau này anh chỉ dám học Hoàng Vân qua tác phẩm.

Biết tôi là người yêu âm nhạc, Hoàng Vân truyện trò thân mật và hỏi han nhiều điều. Rồi ông về nhà tôi chơi. Thời gian dần dần giữa tôi và ông có thêm nhiều ý hợp thân tình. Ông lập ra nhóm anh em bạn bè cafe Phố cổ yêu âm nhạc gồm có ông, các anh Nguyễn Cường, Vĩnh Thưởng, Minh Đạo và tôi. Biết tôi cũng thích và bập bẹ viết ca khúc, ông động viên cứ viết đi, đừng sợ gì hết. Nhưng rồi tới một hôm ông bỗng bảo tôi:

- Bây giờ em phải học sáng tác nghiêm chỉnh đi và tôi sẽ dậy em. Nhạc Viện gọi tôi về dậy, nhưng tôi muốn nghỉ. Còn em tôi muốn dậy để ta chơi với nhau. Em hãy coi tôi như một người đi trước trong âm nhạc, tôi sẽ truyền cho em kiến thức và những kinh nghiệm trong sáng tác của tôi.

Tôi thật cảm động và cũng thật bất ngờ với lời đề nghị của ông. Phải chăng đây cũng là mối nhân duyên cho tôi được gập ông. Rồi lớp học một thầy một trò cũng được mở tại nhà tôi. Học xong buổi đầu ông bảo:

Bây giờ về nhà tôi, bà Ngọc Anh nhà tôi sẽ có quà cho hai thầy trò đấy.

Chúng tôi về 14 Hàng Thùng nhà ông. Bà Ngọc Anh vợ ông bê lên ba bát chè sen long nhãn, ông bảo:

- Bà ấy mừng lớp ta khai giảng theo lối người Hà nội xưa đây, đãi khách thì phải đãi ở nhà nó mới sang, chứ ra hiệu là hỏng.

2. Hoàng Vân với các thú chơi tao nhã.

Một lần ông tới nhà tôi rồi cao hứng:

- Hôm nay không bài vở gì hết nhé, ta đi chơi thôi.

Thế là ông rủ tôi lên Yên Phụ, nơi bán đồ cổ. Cánh bán hàng ở đây hầu hết biết ông và coi ông như một ông khách sộp. Đi xem, ông tẩn mẩn nói với tôi về đồ gốm, đồ sứ, đồ gỗ...vv. Đồ sứ ông thích lọ vuông hơn lọ tròn vì nó khó làm. Ở đời cái gì khó thì nó mới quý? Còn men thì có nhiều loại, men túy lam, túy lĩnh, men rạn...vv Nhưng ông thích nhất là men túy hồng. Ông bảo nung loại men này khó nên khi đốt lò phải làm lễ tam sinh: đất, nước và lửa. Còn khi đau đầu cần tĩnh tâm ta ngồi ngắm mầu men túy hồng sẽ thấy như có một dòng huyết chảy dưới lớp men đó. Tâm của ta sẽ tĩnh lại.

Một lần tôi và ông tìm được một bức tượng gỗ Phật Bà Quan Âm rất đẹp, nhưng giá lại cao nên chưa mua được. Lấy lý do với người bán chưa thật ưng ý, còn muốn xem thêm nên thỉnh thoảng tôi và ông tới ngắm bức tượng cho đỡ thèm. Dần dà rồi cũng một năm trời, sau đó người bán hết kiên nhẫn bèn bảo ông:

- Thôi xin bác trả cho em giá gốc rồi mời bác bê tượng về đi ạ.

Mang tượng về tới nhà ông nói đùa:

- Muốn mua được một món đồ, đầu tiên tới nhà người ta chó phải ra sủa và cắn. Nhưng khi nào tới nhà họ mà chó ve vẩy đuôi ra mừng là khi ta sẽ mua được đồ đấy.

Câu truyện vui vui cũng nói lên tính kiên nhẫn của Hoàng Vân?

Ông còn có thú chơi chim và cây cảnh. Ông hay rủ tôi đi chợ phiên xem cây. Phiên nào chợ nấy ông rất nhớ ngày chợ họp theo lịch ta. Chợ Bưởi họp những ngày mùng 4 mùng  9. Chợ Mơ ngày 2 ngày 7. Chợ Hà Đông ngày 5 ngày 10. Ông hay chọn mua cây mộc gốc to, lá trụi hết về tự trồng. Ông bảo khi cây mình trồng nó vào thế rồi đâm lộc, ra cành lúc đó ta ngồi ngắm mới thấy sướng, chứ mua cây trồng sẵn trong chậu rồi thì chán.

Nhà tôi có một cây du ta dáng huyền ông rất thích.Cứ trước tết chừng một tháng ông qua lấy kéo cắt tỉa,uốn thế cây rồi dặn:

- Khi nào cây nẩy chồi non em nhớ gọi tôi qua uống cafe để ta xem tại sao thân cây cứng như thế, mầm non mềm là vậy mà sao mầm vẫn chui ra và vươn lên được? Phải chăng đấy mới là sự sống?

Ông lại có cái tài luyện chim gáy. Một lần ông rủ tôi lên chợ Bưởi, ông chọn mua được một con chim gáy mộc đưa về nuôi và dậy. Thời gian trôi đi tôi cũng không để ý tới việc đó nữa. Mấy tháng sau tới sinh nhật tôi, ông xách lồng chim gáy tới nhà rồi bảo:

- Đây là quà sinh nhật của em, nó biết gáy rồi đấy. Em giữ lấy mà nuôi rồi thỉnh thoảng tôi qua ta cùng chơi cho vui.

Gần Tết ông hay rủ chúng tôi ra phố Tạ Hiện ăn tất niên. Ông thích và hay mời mọi người món chim quay. Trong bữa ăn ông hỏi thăm công việc của mỗi người một năm qua làm được những gì? viết được nhiều không? chơi được nhiều không? Cuối buổi ông thường hay nói đùa:

- Hôm nay bọn mình mà ngồi với cụ Nguyễn Tuân thế nào cũng bị lườm vì láo, can tội ăn nhanh. Từ đầu bữa tới giờ may ra Nguyễn Tuân mới nhắm hết một cái chân chim thôi đấy nhé...

Rồi Hoàng Vân cười hóm hỉnh.

Yêu các phiên chợ truyền thống của Hà Nội nên khi nghe tin chợ Mơ cũ sắp bị phá để xây khu cao tầng ông buồn lắm. Ông qua rủ tôi:

- Tôi và em phải tranh thủ đi chợ thôi kẻo mất hết hồn vía Hà Nội cổ tới nơi rồi. Nhạc sĩ Trần Tiến vừa khoe với tôi đã đi quay được một phóng sự về những ngày cuối của chợ Mơ đấy. Em nhớ mang máy ảnh nhé.

Tôi và ông đi chợ nhưng tôi cảm thấy bước chân của ông nặng hơn mọi lần. Ông tần ngần ngắm mấy hàng cây cảnh, hàng bán chim, hàng cá vàng...Ông trò truyện với mấy cô bán hàng quen như những người thân sắp xa nhạu. Mấy cô bán hàng dặn:

- Khi nào có chợ mới bác Vân nhớ qua mở hàng cho cháu nhé.

Ông cười thân mật :

- Cứ có chợ là tôi tới mua, nhưng mà mua cây ở dưới tầng hầm thì hơi buồn đấy các cô ạ. 

3. Ông thầy đồ Hoàng Vân và thú du xuân cùng bạn bè.

Hoàng Vân có một sở thích và cái tài viết thư pháp. Ông chỉ viết chơi rồi treo ở nhà, quý ai thì ông tặng. Ông chọn người để tặng và chọn chữ để cho. Ông có một con dấu riêng, mỗi bức thư pháp viết xong ông đều nhấn một nét triện son bên góc thư pháp với chữ: Thọ xương lão nhân Hoàng Vân. Ý ông nói ông cũng là ông đồ của đất Thọ xương Hà Nội xưa đây.

Là người của sáng tạo ông không viết những chữ sáo mòn giống người khác. Những bức ông tặng các anh Nguyễn Cường, Vĩnh Thưởng tôi rất thích như: Hạp trung bảo kiếm, Bích giản tàng long. Ông giải thích: Bích giản tàng long là bức tường cũ nhưng ẩn bên trong có một con rồng. Còn Hạp trung bảo kiếm là thanh kiếm báu trong bao. Nó ví như người quân tử, người tài năng đừng bao giờ khoe tài ra cả. Nhưng khi kiếm báu mà đã ra khỏi bao thì hãy coi chừng, đừng có mà đùa!  Với  bức: Tận túy quy, ông bảo khi đã là chỗ thân tình, đã tới với nhau uống rượu thì phải uống cho say mới về. Cũng như khi chơi với nhau phải hết lòng vì nhau thì nó mới sướng.

Phải chăng đây cũng là lẽ sống của Hoàng vân?

Sinh thời hàng năm tới dịp Xuân về Tết đến Hoàng Vân hay rủ mấy anh em đi chơi chợ hoa Hàng Lược. Ngày khai trương chợ hoa cũng là ngày họp chợ bán đồ cổ. Ông nói :

- Đi chợ là để đón không khí xuân về, Tết chỉ vui vào những ngày này thôi. Ta nên mua một cành đào sớm đón xuân, trước là bầy lên để nhớ tới tổ tiên, sau để thưởng ngoạn chơi xuân thêm dài.

Ngày họp chợ đồ cổ ông tới rủ tôi đi từ sớm:

- Hôm nay chợ mở hàng, ta qua chơi rồi mua một món gì đó để đánh dấu kỷ niệm hàng năm. Mỗi năm một thứ, lâu dần ta sẽ có một bộ sưu tập ghi lại dấu ấn chặng đường những năm ta qua.

Tới đầu chợ mấy ông bán đồ cổ quen rối rít :

- Ới bác Hoàng vân, bác mua mở hàng cho em lấy may đi. Lâu lắm không thấy bác qua. Em có mấy món phần bác hay lắm.

Ông cười vui, thế là mua, là bán, rồi ông ôm ấp món đồ mới mua về bầy lên chơi xuân.

Tới chiều 30 tết ông lại qua tôi:

 - Em ạ giờ này có ông băng đỏ đi đuổi chợ, dẹp hàng đồ cổ cho các bà quét rác tổng vệ sinh chợ ăn tết. Ta qua xem và chơi nốt  xuân, nếu có món đồ nào hay mà rẻ ta lại mua chơi thêm. Họ không bán cho ta thì đợi mùng 8 mang đi chợ Viềng mà bán.

Rồi ông cười!

Hóa ra Hoàng Vân chơi tết thật kỹ, thật vui là vậy!

4. Xuân về lại nhớ Hoàng Vân

Bây giờ hàng năm Xuân về Tết đến anh em chúng tôi với nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn rủ nhau đi chợ hoa Hàng Lược đón xuân. Cũng mua mua, bán bán thưởng ngoạn xuân về. Anh em đi chợ đông hơn xưa, có cả Bá Môn, Trọng Lưu, Ngọc Hòa, Việt Hưng...vv nhưng nó cứ thiếu vắng một điều gì đó. Có một khoảng trống rất lớn mà nhạc sĩ Hoàng Vân để lại khi ông đi xa. Những dấu ấn, những kỷ niệm về ông quá sâu đậm trong chúng tôi mà không có gì thay thế được.

Xa ông nhưng tình cảm ông để lại vẫn ấm lòng anh em mỗi độ xuân về. Ông vẫn luôn là một người anh cả, một người thầy, một nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Những tác phẩm của ông vẫn là những bài giảng cho thế hệ anh em chúng tôi  học hỏi  noi theo và cũng vẫn là những bài ca đi cùng năm tháng với công chúng yêu và thưởng thức âm nhạc.

Ông mãi vẫn là một người anh, người thầy vô cùng đáng kính trong lòng chúng tôi.

Ông mãi vẫn là một áng MÂY VÀNG trên nền trời âm nhạc Việt nam.

                                                                                                                                            Xuân 2019

 

 

http://www.hoiamnhachanoi.com/content/co-mot-hoang-van-nhu?fbclid=IwAR3WNJq3RHmuD9Eq2Y9Z-aEqYbiRcxJ5V5qN274i8joVPowfcuaFzR_KwK8

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam