Web-Internet

Ấn tượng về nhạc sĩ Hoàng Vân

05/05/2019   1408

HV124 - Ấn tượng về nhạc sĩ Hoàng Vân

27 Tháng Ba 2018 8:25 SA 

M.Q.L.

Tôi được gặp, làm quen với người nhạc sĩ này tại TP.Hồ Chí Minh vào đầu những năm 80 thế kỷ trước. Có cùng ăn cơm với nhau một lần ở một quán ăn sau Nhà hát thành phố. Nhiều năm sau gặp lại, ông nói là ông có “ấn tượng” về tôi. Có lẽ là ấn tượng về cái bồ chữ Hán lưng lửng của tôi chăng. Hóa ra, ông là một nhà Hán học cừ khôi, viết chữ triện rất đẹp. Với ông, tôi là người trẻ hơn cả một cuộc chiến tranh: Thời còn trai trẻ, ông đã tham gia và sáng tác tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Hò kéo pháo, khúc ca âm vang một kỳ tích chiến đấu của quân dân ta, khúc ca xúc động một thời và ngày nay nó vẫn là đỉnh cao, là kinh điển của nhạc kháng chiến.

Hoàng Vân công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi thời đó là cái lò lửa nóng rừng rực ngày đêm của thời sự đánh Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội (với những thử nghiệm ban đầu nhưng cũng rất mê say). Hoàng Vân lấy cảm hứng trọn vẹn từ cuộc chiến đấu và xây dựng ấy. Những ca khúc của ông không phải chỉ là bám sát thời sự, mà là chính thời sự và chính trị. Chính trị một cách trực tiếp. Có thể nói những ca khúc đó là ca khúc tuyên truyền. Nhưng tất cả đều đã qua tâm hồn rất mực đắm say, rất mực tin yêu của nhạc sĩ. Trong cái lò luyện đan của tâm hồn, nhạc sĩ đã biến những khẩu hiệu chính trị thành những ca khúc trữ tình, lôi cuốn, xao động lòng người; giai điệu của những bài hát ấy là một giai điệu hào sảng, tin yêu, luyến láy, quyến rũ, nhất là những ai có tình với đất nước, với nhân dân. Ngày nay nghe lại những bài hát ấy chúng ta như sống lại một thời và yêu quý Hoàng Vân vô hạn. Sao lại có một người tài hoa đến thế, yêu nước đến thế, thương yêu nhân dân, quý trọng thời đại… đến như thế. “Thời đại chúng tôi thật là vẻ vang. Từng cây lúa từng cây súng... Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển mà hỏi có gì đẹp trong cây lúa Việt Nam…”. Quảng Bình quê ta ơi là một đỉnh cao thời chống Mỹ, ngang với đỉnh cao Hò kéo pháo thời chống Pháp. Đó là bài ca về một vùng đất anh hùng tiêu biểu của kháng chiến chống Mỹ, trong đó nhân dân là chủ thể của lịch sử đã được thương yêu, đã được ngợi ca. Cả những địa danh cũng vào nhạc và biến thành nghệ thuật. Người ta nói trong thơ cổ chỉ có Đỗ Phủ là có tài đưa địa danh vào thơ. Ta cũng có thể nói như vậy về Hoàng Vân chăng?

Mấy năm nay để “giải sầu”, tôi hay nghe nhạc Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu và nhiều nhạc sĩ cách mạng kháng chiến từ Du kích sông Thao đến Trường ca sông Lô của Đỗ Nhuận và Văn Cao. Tôi nhập hồn vào dòng nhạc ấy, sống lại một thời, “thanh lọc” tâm hồn. Bây giờ là một thời khác nhưng sao chúng ta vẫn quyến luyến không nỡ rời với những ca khúc kinh điển của thời ấy, thời giành lại nước, thời gian khổ, đói nghèo, nhưng xiết bao tin yêu. Ngày nay âm nhạc làm sao kế thừa được phần nào cảm hứng cao cả, lãng mạn, say mê… ấy? Riêng Hoàng Vân, tôi nghĩ ông là một nhạc sĩ lớn. Ông đã tự tạc tượng mình vào lịch sử kháng chiến, vào lịch sử âm nhạc. Chúng ta đầy lòng biết ơn ông. Ông khiêm tốn nói với tôi ông là một thầy giáo, chắc là nói đến chuyện dạy nhạc.

Thầy giáo như ông phỏng được mấy người. Ông là một nhạc sư về nhiều phương diện của muôn đời.

Bài báo nguyên bản đọc ở đây: http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5707-hv124-n-tng-v-nhc-s-hong-vn.aspx

Album mới nhất

Hoàng Vân, nhạc sĩ Việt nam